Khác với chỉnh nha mặt ngoài, mắc cài thường được gắn trực tiếp lên răng; trong chỉnh nha mặt lưỡi, do cấu trúc mặt trong của răng thay đổi nhiều theo từng người, hơn nữa việc quan sát mặt trong răng chỉ có thể thực hiện qua gương, cho nên việc gắn trực tiếp rất khó khăn và không chính xác. Do đó, kỹ thuật gắn mắc cài trong chỉnh nha mặt lưỡi thường là kỹ thuật gắn gián tiếp. Để gắn mắc cài chính xác thì mẫu hàm cần phải tái lập được đầy đủ chi tiết giải phẫu của răng. Do đó, kỹ thuật lấy dấu răng trong chỉnh nha mặt lưỡi đòi hỏi sự chính xác cao hơn chỉnh nha mặt ngoài.
Trước khi lấy dấu, bác sĩ cần vệ sinh răng thật sạch để loại bỏ tất cả mảng bám.
Kỹ thuật lấy dấu hai thì được khuyến cáo nhằm tạo ra dấu răng chính xác. Thìa lấy dấu cần cứng chắc và không bị biến dạng. Sự kết dính giữa vật liệu lấy dấu và thìa lấy dấu là một bước quan trọng, trong đó các sai sót cần phải tránh.
Cần trộn đều cao su lấy dấu (cao su nặng) cho đến trạng thái đồng nhất trước khi sử dụng (Hình 1).
Hình 1 Trộn cao su lấy dấu với chất xúc tác
Vật liệu lấy dấu cần được dàn đều lên thìa lấy dấu để ghi lại các chi tiết bề mặt một cách chính xác.
Một dấu răng lý tưởng cần ghi lại được tất cả các điểm mốc giải phẫu (Hình 2).
Hình 2 Vật liệu lấy dấu được dàn đều lên thìa và tiến hành lấy dấu
Sau khi lấy dấu thì đầu, sử dụng cao su nhẹ để lấy dấu thì hai. Trộn đều hai thành phần (chất cơ bản và chất xúc tác) rồi lấp đầy dấu sơ khởi hoặc bơm lên răng. Cần tuân thủ hướng dẫn sử dụng của mỗi loại cao su lấy dấu (Hình 3).
Hình 3 Trước và sau khi lấy dấu thì hai.
Cần khử nhiễm dấu silicone sau khi lấy dấu nhằm tránh lây nhiễm chéo. Để đạt được kết quả tốt nhất, nên chờ 30 phút rồi mới đổ mẫu. Chú ý rằng, dấu silicone vẫn ổn định trong tối thiểu 7 ngày và tối đa 14 ngày.