Chỉnh nha mặt lưỡi làm giảm tỉ lệ tổn thương đốm trắng so với chỉnh nha mặt ngoài

Bài gốc: Lingual appliances reduce the incidence of white spot lesions during orthodontic multibracket treatment

Tác giả: Dirk Wiechmann, Elisabeth Klang, Hans-Joachim Helms, và Michael Knöseld

Địa điểm: Hannover, Bad Essen, và Göttingen, Cộng hòa Liên bang Đức

Tạp chí: American Journal of Orthodontics and Dentofacial Orthopedics 2015; Issue 148, p414-422 (Tạp chí Chỉnh nha và Chỉnh hình Răng mặt Hoa Kỳ)

Đường link: http://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0889540615007271

Giới thiệu

Mục tiêu của nghiên cứu này đó là đánh giá tỉ lệ tổn thương đốm trắng trên những bệnh nhân được điều trị bằng mắc cài mặt lưỡi cá nhân hóa (Incognito)—đánh giá riêng cho nhóm răng cửa hàm trên (răng 12 răng 22) cũng như cho nhóm răng 15 tới 45, 16 tới 46, 17 tới 47—và để xác định ảnh hưởng của những yếu tố liên quan tới bệnh nhân và yếu tố liên quan tới điều trị lên tần suất xuất hiện tổn thương đốm trắng mới.

Hình 1 Một số ví dụ về tổn thương đốm trắng xuất hiện sau khi tháo mắc cài ở bệnh nhân chỉnh nha mặt ngoài.

Phương pháp

Trên 214 bệnh nhân được điều trị trong khoảng giữa tháng 6 năm 2011 và tháng 5 năm 2014 tại một trung tâm chỉnh nha (Bad Essen, Đức) bằng mắc cài mặt lưỡi hoàn toàn cá nhân hóa (Incognito, Bad Essen, Đức), 174 bệnh nhân (47% nam, 53% nữ; tuổi trung bình, 14,35 ± 1,23 [tối thiểu 11,35 tuổi; tối đa 17,91 tuổi]) được đưa vào nghiên cứu với tiêu chuẩn lựa chọn là đã hoàn thành điều trị chỉnh nha mặt lưỡi trên tất cả răng vĩnh viễn hàm trên và hàm dưới từ răng 17 đến răng 47 (nghiên cứu trên 4582 răng), và tuổi nhỏ hơn 18 tại buổi khám đầu tiên. Việc đánh giá tổn thương đốm trắng được thực hiện sử dụng các ảnh chụp mặt nhai răng hàm trên và hàm dưới kỹ thuật số với độ phân giải cao đã được chuẩn hóa trước khi gắn mắc cài và sau khi tháo mắc cài. Tiến hành kiểm định phi tham số các biến, xem xét nhóm tuổi của bệnh nhân (<16 hay >16 tuổi), giới tính, và thời gian điều trị.

Hình 2 Ví dụ về phương pháp đánh giá ở răng nanh hàm trên bên phải: A, trước điều trị và B, ngay sau khi tháo mắc cài. Mỗi bức ảnh được phóng to để cho phép đánh giá chính xác sự hủy khoáng. Ở hình B, một tổn thương đốm trắng nhỏ đã xuất hiện ở mặt trong răng (mũi tên).

Kết quả

Trên toàn bộ đối tượng nghiên cứu, 41,95% xuất hiện ít nhất 1 tổn thương đốm trắng mới khi khám tất cả các răng từ răng 14 tới 47, vả tỉ lệ này là 27,01% đối với nhóm răng 16 tới 46, hoặc 10,59% đối tượng và 4,74% các răng cửa trên (12 tới 22). Khi đánh giá tất cả các răng, 3,19% xuất hiện một tổn thương đốm trắng trong quá trình điều trị. Tỉ lệ hủy khoáng không tăng đáng kể ở bệnh nhân thiếu niên (<16 tuổi) so với lứa tuổi thanh niên (>16 tuổi). Thời gian điều trị có tác động bất lợi đáng kể tới sự hình thành tổn thương đốm trắng ở nhóm răng 15 tới 45 và 16 tới 46, và ở toàn bộ cung răng (răng 17 tới 47).

Kết luận

Tỉ lệ hình thành tổn thương đốm trắng liên quan tới đối tượng và liên quan tới răng của cả nhóm răng đơn lẻ và toàn bộ cung răng ở những đối tượng được điều trị bằng mắc cài mặt lưỡi Incognito giảm rõ rệt so với báo cáo trước đây về tỉ lệ hủy khoáng men răng sau khi điều trị chỉnh nha bằng mắc cài mặt ngoài.

Chỉnh nha mặt lưỡi không xoi mòn men răng mặt ngoài và không cần mài loại bỏ chất gắn dư ở mặt ngoài (việc này dễ gây tổn thương men răng mặt ngoài).

Điều trị chỉnh nha bằng mắc cài mặt lưỡi cá nhân hóa có thể làm giảm đáng kể sâu răng mới chớm.

Hình 3 Ví dụ về bệnh nhân chỉnh nha bằng mắc cài cá nhân Incognito ở cả hai hàm trong nghiên cứu này. Ảnh chụp bên trái là trước khi gắn mắc cài (và D), ảnh ở giữa là trong quá trình điều trị (B và E), ảnh bên phải là sau khi tháo mắc cài (C và F).

Share: